Chính sách “trói” giao dịch
Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết quý II/2013 trên phạm vi cả nước chỉ có 126 trường hợp mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (cá nhân chiếm 80%, DN chiếm 20%), tập trung chủ yếu tại các địa phương phía Nam. Nguyên nhân có ít DN nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là do chi phí mua nhà quá cao so với chi phí thuê nhà. Lý do khác là do DN không được cho thuê, không được bố trí đối tượng khác sử dụng khi không sử dụng hết hoặc bỏ trống.
Thực tế vẫn còn nhiều đối tượng người nước ngoài khác cũng có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam ngoài 5 đối tượng trong quy định cũ. Quy định này cũng còn có các hạn chế khác về quyền được lựa chọn chỉ được phép mua chung cư mà không được sở hữu nhà riêng lẻ, hạn chế về quyền sở hữu chỉ được sử dụng để ở mà không được cho thuê hay kinh doanh, hạn chế về số lượng nhà sở hữu, hạn chế về điều kiện thời gian cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên và hạn chế về thời gian sở hữu giới hạn trong 50 năm...
“Nới” để khai thác nguồn lực tiềm năng từ khách ngoại
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, các điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở trong nước cần sửa đổi bổ sung, “nới lỏng” hơn theo hướng mở rộng đối tượng cá nhân và tổ chức được sở hữu. Về loại nhà ở, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ bao gồm cả nhà biệt thự và nhà liền kề diện tích không quá 500m2 gắn liền với quyền sử dụng đất thuê trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án KĐTM hoặc tại các dự án BĐS du lịch.
Về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở, Bộ Xây dựng, cho phép cá nhân nước ngoài được tự mình hoặc hợp tác với chủ đầu tư cho thuê, khai thác, sử dụng nhà ở đã mua theo quy định của pháp luật; cho phép họ được bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau thời hạn 12 tháng (nếu bán nhà ở trước thời hạn thì phải nộp gấp 2 lần so với mức thuế hiện hành); Không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được vay tiền của các tổ chức tín dụng đang hoạt động trong nước để mua nhà ở tại Việt Nam.
Các chính sách “nới” trên, theo Bộ Xây dựng sẽ khắc phục được các hạn chế, tồn tại góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN kinh doanh BĐS, làm tăng tính thanh khoản cho thị trường, từ đó góp phần khuyến khích đầu tư nước ngoài, khai thác nguồn lực tiềm năng từ khách ngoại vào Việt Nam. Đồng thời chính sách này cũng tạo ra sự cạnh tranh với các nước khác trong khu vực để người nước ngoài ưu tiên vào đầu tư và sinh sống tại Việt Nam. Chính sách này không chỉ giúp giải phóng hàng tồn kho BĐS mà còn thu được tiền thuế trong hoạt động kinh doanh mua bán, cho thuê nhà ở hoặc kinh doanh dịch vụ khác mà có sử dụng nhà ở của đối tượng này.
Cũng theo Bộ Xây dựng, chính sách sửa đổi này cũng không tác động xấu đến giá cả cũng như nhu cầu về nhà ở của các đối tượng có khó khăn về nhà ở, hộ nghèo hoặc các đối tượng có thu nhập thấp và thu nhập trung bình do số lượng và loại nhà ở mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép mua và sở hữu chủ yếu là các BĐS trung và cao cấp. Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung chính sách này vẫn bảo đảm chủ quyền, an ninh trật tự an toàn xã hội.
Khudothimoi.com - Theo Báo xây dựng